Đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài): 2,7 km 'nhồi' 40 cao ốc!

Ken dày đặc cao ốc “không còn chỗ thở” trên đường Lê Văn Lương chưa hết, nay đến lượt con đường cùng tên kéo dài (nay gọi là Tố Hữu). Chỉ vẻn vẹn 2,7 km mà bị nhồi nhét tới 40 cao ốc từ 25-35 tầng. Và hậu quả là cả tuyến đường Lê Văn Lương đã trở thành “điểm đen” tắc nghẽn giao thông không thể cứu vãn của Hà Nội

Cao ốc “bố ráp” - hết Lê Văn Lương giờ sang Tố Hữu

Nhằm giảm tải sức ép giao thông lên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đi về Hà Đông, Hà Nội mở tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Tháng 10/2010, con đường này (nay là đường Tố Hữu) dài 2,7 km khánh thành được xem là tuyến đường kiểu mẫu, huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau gần 6 năm đi vào sử dụng, người dân bắt đầu khiếp sợ mỗi lần di chuyển qua đây. Nguyên nhân chính bởi có đến 40 dự án “cao ốc” từ: 25 – 35 tầng mọc lên 2 bên tuyến đường. Dễ dàng điểm tên hàng loạt các tòa nhà đã hoàn thành, như: Tòa tháp The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Tây Hà, Chung cư C14... Theo cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng, trước đây do chưa có quy hoạch chi tiết trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài nên các chủ đầu tư mặc sức xây chung cư với tầng cao “tùy ý” vì không nằm trong 4 quận nội thành.

Ách tắc kinh hoàng là vậy, nhưng không hiểu lý do gì mà tháng 7/2016 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3740/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) lại khuyến khích xây các công trình cao tầng (tối đa 45 tầng với quy mô dân số lên tới gần 30.000 người).

Trong khi việc di dời các trụ sở bộ ban ngành, nhà máy… ra ngoại thành chưa được thực hiện được, trớ trêu thay khi theo quy hoạch chi tiết Hà Nội, dọc tuyến đường này, nhiều cơ quan nhà nước, trường học sẽ được di dời nhường chỗ cho chung cư và công trình hỗn hợp. Ví dụ như: Lô đất Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy rộng 12.744m2; khu đất Trung đoàn 47 cũ (19.892m2) sẽ là tổ hợp văn phòng, thương mại và nhà ở cao tầng; khu đất kho Thanh Xuân và đội xe 1 - Bộ Công an 13.937m2 cũng sẽ là một dự án hỗn hợp 30 tầng… Trong khi đó, khoảng 1- 2 năm nữa, các dự án đang thực hiện sẽ đi vào sử dụng với dân số bằng cả một phường như: Usilk City 13 tòa chung cư cao 25-50 tầng với 2.700 căn hộ, chung cư Hanoi Landmark 51 tầng, Tổ hợp chung cư Roman Plaza 800 căn hộ, Ecolife Capital 760 căn, khu đô thị thành phố xanh, KĐT TSQ, Him Lam…

Nói về sự gia tăng chóng mặt số lượng chung cư và dân số trên tuyến đường Tố Hữu, một Phó chủ tịch UBND phường Mỗ Lao (Hà Đông) nhẩm tính, so với thời điểm 2011, năm 2015 chỉ riêng tại phường Mỗ Lao, số lượng cử tri đã tăng lên khoảng 8 - 10% (tương đương tăng thêm khoảng 5.000 - 6.000 người) đến sinh sống tại các khu nhà cao tầng vừa hoàn thiện. Đó là chưa tính tới nhiều tòa chung cư chưa có dân tới ở.

Theo một cán bộ thanh tra xây dựng quận Hà Đông, trên trục đường Lê Văn Lương có độ dài khoảng 7 Km (vắt qua 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, tới Hà Đông) có 30 tòa chung cư và 25 dự án đang triển khai (trung bình mỗi dự án có từ 2-3 tòa).

Các tòa nhà đang trong thời gian xây dựng và hoàn thiện trên đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài - Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.

Các tòa nhà đang trong thời gian xây dựng và hoàn thiện trên đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài - Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.

Phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện chỉ phải… “rút kinh nghiệm”

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận về quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn quận Hà Đông (giai đoạn 2011-2015). Theo đó, Thanh tra Bộ chỉ rõ, công tác lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết còn thiếu sót như: Không có hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, thực hiện không đúng quy định; Không có hồ sơ lấy ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch, hồ sơ lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch không đầy đủ...

Đáng chú ý là việc điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, hình thức và nội dung phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị, thực hiện không đúng quy định tại điều 45 , điều 48 Luật quy hoạch đô thị, như: Đồ án điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 Khu đất dịch vụ LK29, LK30, LK 31 (Mỗ Lao, Hà Đông); Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Ngoài ra, công tác quản lý theo quy hoạch không đúng quy định còn để xảy ra các trường hợp thực hiện không đúng chức năng, tính chất quy mô của đồ án quy hoạch (tại các ô đất DM, CUTM, CK, NNL thuộc đồ án QHCT Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Thực tế, trên ô đất trên đang xây dựng các công trình nhà ở liền kề...).

Ông Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng trong kết luận thanh tra (ký ngày 30/12/2016 và công bố đầu tháng 1/2017) khẳng định: “Do địa bàn quận Hà Đông chưa phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên công tác cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tại một số vị trí còn thiếu cơ sở pháp lý. UBND quận Hà Đông chưa phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho các phường thuộc quyền quản lý”.

Liên quan đến việc cấp phép xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng kiểm tra 353/10.760 hồ sơ giấy phép xây dựng do UBND quận Hà Đông cấp trong giai đoạn 2011 – 2015. Qua đó, thanh tra nhận thấy, giấy phép xây dựng thể hiện mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; thông tin chỉ giới đường đỏ; đơn xin cấp phép xây dựng không đúng mẫu; đơn xin cấp phép xây dựng thiếu thông tin đơn vị hoặc người thiết kế; vi phạm thời gian cấp giấy phép xây dựng; thành phần hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng không đầy đủ... Tại 255 công trình xây dựng theo giấy phép trên quận Hà Đông, thanh tra chỉ ra đến 12 công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng.

Điều đáng nói, trước những vi phạm trên, nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm về việc thời gian lập đồ án quy hoạch phân khu chậm và chậm công bố công khai các đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND Hà Nội phê duyệt. Còn UBND quận Hà Đông chỉ phải tổ chức triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cụ thể hóa các đồ án phân khu; rà soát các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu. Các chủ đầu tư xây dựng chỉ phải “tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm” như trong kết luận thanh tra.

Lỗi quy hoạch: Không giới hạn số lượng chung cư và chiều cao!

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc trên một trục đường huyết mạch như Tố Hữu mà tồn tại hàng chục nhà cao ốc là lỗi của những người làm quy hoạch ngay từ khi đưa tuyến đường vào sử dụng không quy định cụ thể số lượng nhà chung cư và chiều cao. Rõ ràng, Hà Nội hiện đang thiếu quy hoạch chi tiết cho từng tuyến phố, khu đô thị nên chủ đầu tư tha hồ xây cao ốc mà không bị hạn chế số tầng. Quy hoạch ở Hà Nội mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Khi không có quy hoạch chi tiết nên chủ đầu tư mặc sức “xin – cho” số tầng cao. Chính vì vậy mới có chuyện tòa nhà đang 20 tầng được điều chỉnh lên 50 tầng một cách dễ dàng.

 

 

Theo Duy Bách

Tiền phong

Đăng ký mua căn hộ
Tư vấn dự án

Hotline cđt

 

Bùi Ngọc Điền - GĐKD

 

Điện thoại: 033.334.6688

 

Tiến độ thi công

 CẬP NHẬT TIẾN ĐỘ

 

G

G